Nước biển dâng: Ngập lụt vẫn phải sống, tương lai thì sao

Lịch sử không phải là lý do duy nhất giải thích cho việc tại sao các địa điểm hay bị lũ lụt lại quá đông dân sinh sống. Vì sao rất nhiều người vẫn tiếp tục sống ở những thành phố hay bị lũ lụt? Và tương lai sẽ ra sao khi mà dự báo năm 2100, nước biển sẽ dâng cao thêm 2m, đủ làm biến mất nhiều vùng ven biển.
Trong 30 năm qua, lũ lụt đã giết chết hơn 500.000 người trên toàn cầu, và khiến hơn 650 triệu người phải di dời. Một luận văn gần đây được xuất bản bởi Trung tâm Hoạt động Kinh tế (Centre for Economic Performance) đã xem xét lý do tại sao rất nhiều người lại bị những cơn lũ tàn phá gây thiệt hại. Luận văn đã kiểm tra 53 trận lũ lụt lớn làm ảnh hưởng đến hơn 1.800 thành phố ở 40 quốc gia từ năm 2003 đến năm 2008. Mỗi trận lũ đã làm ít nhất 100.000 người phải di rời khỏi nhà của họ. Tất nhiên, một phần của vấn đề là nhiều thành phố nguyên ban đầu được xây dựng ở gần các con sông và bờ biển.


Trong một thời gian dài, cư dân ở các thành phố này hưởng lợi từ chi phí vận chuyển thấp bởi họ ở gần các bến cảng và hoạt động thương mại diễn ra ở đó. Nhưng ngày nay, việc vận chuyển hiện đại trên đất liền thường làm cho những lợi thế lịch sử này trở nên lỗi thời, do có nhiều thành phố dựa vào đường cao tốc và đường sắt hơn là các bến cảng.

Một vấn đề đang phát triển

Lịch sử không phải là lý do duy nhất giải thích cho việc tại sao các địa điểm hay bị lũ lụt lại quá đông dân. Bởi vì một nguyên nhân, mực nước biển dâng và thay đổi khí hậu đang đẩy dân cư ở nhiều thành phố vào rủi ro. Ngoài ra, những ngôi nhà mới vẫn đang tiếp tục được xây dựng tại các khu vực hay bị ngập lụt trên khắp thế giới.

Điều này phần lớn là do các nhà phát triển bất động sản tư nhân không phải chịu toàn bộ chi phí xã hội khi xây dựng nhà trên đất giá rẻ ở trên các bãi bồi (vùng đất gần sông hoặc suối hay bị ngập lụt khi có lũ). Thay vào đó, chính phủ sẽ thanh toán phần lớn chi phí cho việc xây dựng và bảo trì hệ thống phòng chống lũ lụt.

Kết quả là các nhà phát triển nhà đất không phải chịu toàn bộ rủi ro khi xây dựng nhà ở các khu vực dễ bị lũ lụt, đồng thời nhiều người tìm kiếm nhà mới cho gia đình họ lại chuyển vào ở trong các tòa nhà này. Và như vậy, số dân cư trên thế giới nằm trong tình trạng có nguy cơ bị ngập lụt không ngừng tăng lên.

Để giải quyết vấn đề xã hội to lớn và đang phát triển này, chúng ta ít nhất nên thắt chặt kiểm soát xây dựng tại những vùng dễ bị ngập lụt. Hoặc thậm chí tốt hơn nữa là để những nhà thầu muốn xây dựng nhà ở mới trên các bãi bồi gánh toàn bộ chi phí mà họ áp đặt lên xã hội trong dài hạn.

Các thành phố tiếp tục quay trở lại

Một phần khác của vấn đề là người ta vẫn tiếp tục sống ở những nơi dễ bị ngập lụt, thậm chí ngay cả sau những trận lũ lụt lớn. Không có xu hướng di chuyển tới các khu vực an toàn hơn.

Những khu vực đô thị trũng thấp chịu những cơn lũ lụt lớn thường xuyên hơn khoảng 3-4 lần so với các khu đô thị khác. Điều này một phần là do một số khu vực có độ cao thấp so mực nước biển lại ở gần bờ biển và sông ngòi. Nhưng trên thực tế, nghiên cứu phát hiện rằng nguy cơ bị lũ lụt quy mô lớn tại các khu vực có độ cao so thấp với mặt nước biển là vẫn còn cao, thậm chí sau khi dữ liệu đã được thay đổi để cho phù hợp với cự ly gần của các thành phố này với những con sông và bờ biển nói trên.

Bất chấp nguy cơ lũ lụt cao hơn, các khu vực đô thị vùng trũng lại tập trung nhiều hoạt động kinh tế hơn so với các vùng đô thị an toàn hơn. Điều này là đúng ngay cả đối với các nơi hay có hiện tượng mưa cực đoan trên thế giới, chẳng hạn như lưu vực các con sông lớn ở Nam Á, nơi có nguy cơ lũ lụt trên diện rộng đặc biệt cao. Đúng là nông dân ở các khu vực này đôi khi được hưởng lợi từ đất phù sa, nhưng cư dân thành phố nói chung thì không.

Khi các thành phố bị tàn phá bởi lũ lớn, các khu vực trũng thấp chịu thiệt hại nhiều hơn so với các vùng khác. Nhưng cũng giống như các phần khác của những thành phố bị ngập lụt, vùng có độ cao thấp so với mực nước biển cũng phục hồi một cách nhanh chóng. Bạn có thể nghĩ rằng sự phục hồi này là tin tốt. Nhưng thật không may, nó cũng có nghĩa là hoạt động kinh tế sẽ không được di chuyển đến những khu vực an toàn hơn, do đó nó vẫn có nguy cơ phải hứng chịu cơn lũ lớn tiếp theo.

Và chắc chắn là các thành phố từng bị ngập lụt trước đó sẽ có nhiều nguy cơ bị một cơn lũ lớn tấn công một lần nữa – vậy nên chu kỳ lũ lụt sẽ tự lặp lại.

Nghiên cứu không nói rằng nguy cơ lũ lụt gia tăng nên khiến mọi người từ bỏ các thành phố đang phát triển mạnh. Nhưng tình trạng những cơn lũ lụt lớn lặp đi lặp lại là phổ biến ngay cả ở các vùng biên kinh tế (khu vực có năng suất trồng trọt và lợi nhuận kinh tế thấp), nơi mà việc sinh sống ở trên các bãi bồi không phải lúc nào có tính thuyết phục. Nghiên cứu phát hiện rằng ngay cả các thành phố dễ bị lũ lụt quy mô lớn thường có những khu vực cao hơn và an toàn hơn. Đó là nơi việc xây dựng mới nên diễn ra.

Lũ lụt là một vấn nạn mang tính tàn phá và lặp lại làm đau đầu nhiều thành phố trên thế giới. Chúng ta cần những chính sách tốt hơn để đảm bảo rằng chúng ta không trợ cấp nhầm cho hoạt động xây dựng mới ở trên các bãi bồi. Như vậy vấn đề lũ lụt sẽ không trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt là khi mực nước biển dâng cao.

Tại Việt Nam

Dưới đây là một số ý kiến của Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái về những vùng lũ lụt tại Việt Nam và cư dân ở đó. Đối với Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), nhiều người đề xuất ở vùng nước ngập thì phải sống như thế nào. Những vùng đất cao nên chọn và khoanh vùng lại để dân sinh sống ở đó; những chỗ nửa năm ngập và nửa năm không ngập thì nên xây nhà sàn nhiều tầng, hai hoặc ba tầng. Khi ngập thì lên tầng cao ở, còn không ngập thì ở tầng thấp hơn.

Giờ đây, chúng ta phải xác định là sống chung với lũ. Lũ ở miền Nam mang đến nhiều phù sa cho ruộng vườn. Tuy nhiên cũng có nhiều chuyên gia cho rằng, trong tương lai nên hạn chế trồng lúa nước mà chuyển sang trồng những cây khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn và nuôi trồng thủy sản ở những vùng bị ngập mặn.

Đối với thành phố Sài Gòn thì theo ông từ thời Pháp quy hoạch đô thị này, họ đã đề xuất không nên làm nhà cửa về phía có vùng ngập. Vùng Phú Mỹ Hưng, quận 8, Cần Giờ, Lê Minh Xuân, Tân Tạo là vùng thấp. Nhưng về sau, chúng ta đều xây nhà cửa tràn về phía đó thì khó tránh khỏi chuyện ngập. Nhưng giờ đây có nhiều vùng ngày xưa không ngập giờ cũng ngập.

Đó là chưa kể, nếu Thủy điện Trị An xả lũ cộng với triều cường thì sẽ ngập rất lớn. Sài Gòn trước sau gì cũng ngập nặng, bằng chứng là trong đợt triều cường vừa qua đã gây nên tình trạng ngập lớn nhất trong vòng 60 năm qua. Do đó, Sài Gòn phát triển nên mở về hướng Đồng Nai, Bình Dương chứ nếu cứ phát triển về hướng Phú Mỹ Hưng, quận 8 thì trong khu trung tâm sẽ ngập nặng vì đây là hướng thoát nước của thành phố ra Cần Giờ.

Trước 1975, khi quy hoạch khu Nam Sài Gòn, một bà kiến trúc sư người Mỹ có cách quy hoạch rất hay là để đất trống rất nhiều và để nhiều đường nước thoát ra nhưng giờ đây thấy tấc đất tấc vàng, để cho các công ty bất động sản xây dựng cao ốc, nhà cửa tại các đường thoát nước, chặn đường nước rút thì khó tránh chuyện ngập. Nhiều khu ở quận 7 nước đọng lại sau mưa, chỉ duy có khu trung tâm Phú Mỹ Hưng hồi quy hoạch tôn nền thêm 2m thì không ngập nhưng những khu quy hoạch sau thì ngập hết.

Rồi trong quy hoạch đô thị chúng ta phải chú ý từng chút, ngay cả vỉa hè, đá lát phải có kẽ hở chứ đừng bê tông vỉa hè, nước sẽ không ngấm vào đâu được. Ngay ở Paris hay nhiều thành phố lớn khác trên thế giới, lát vỉa hè người ta cũng làm đá lát có kẽ hở. Rồi phải chú ý những khoảng xanh nho nhỏ trong thành phố cũng là nơi rút nước.

Trong việc quy hoạch và chống ngập cho TP Sài Gòn, chúng ta từng thuê các chuyên gia Hà Lan và họ cũng đưa ra nhiều giải pháp nhưng chưa có giải pháp nào khả thi nhất. Ngay Hà Lan, họ cũng tìm giải pháp sống chung với lũ vì họ không thể ngăn những nguồn nước trong nội địa dâng lên. Do đó, không chỉ TP Sài Gòn mà các thành phố lớn trong tương lai có nguy cơ bị ngập bởi nước biển dâng, phải tìm cách sống chung với lũ. Riêng ở nước ta thì phải hạn chế các thủy điện nhỏ. Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và duyên hải miền Trung phát triển thủy điện tràn lan mà không tính toán vấn để xả lũ thì dân hạ lưu lãnh đủ.

Năm 2100, nhiều thành phố ven biển sẽ biến mất?

Tình trạng trái đất ấm lên, băng tan ngày càng thêm trầm trọng ảnh hưởng lớn tới các quốc gia tiếp giáp với biển như Việt Nam. Dự báo năm 2100, nước biển sẽ dâng cao thêm 2m, đủ làm biến mất nhiều vùng ven biển.

Báo cáo mới nhất của Đại học Massachusetts Amherst đăng tải trên tạp chí khoa học Nature cho biết băng tan ở Nam cực là nguyên nhân chính nguyên nhân gây ra tình trạng trên. Chỉ riêng lượng băng tại đây đã khiến cho nước biển dâng thêm 1m vào cuối thế kỷ này. Còn lại, băng ở các khu vực khác sẽ làm tăng thêm 1m nữa, tổng cộng là 2m. Đáng chú ý, dự báo trên đưa ra kết quả nghiêm trọng hơn nhiều so với dự báo năm 2013 của Liên hợp quốc. Robert DeConto, một trong những tác giả của báo cáo này cho biết, mỗi năm mực nước biển đang tăng lên đáng kể.

Ở khoảng thời gian xa hơn, mực nước biển được Đại học Massachusetts Amherst dự báo tăng lên 15m vào năm 2500. "Khi đó, bản đồ thế giới sẽ bị vẽ lại đáng kể so với hiện nay", Robert DeConto cảnh báo.

Tháng 9 năm ngoái, NASA cũng đưa ra cảnh báo mực nước biển toàn cầu sẽ tăng ít nhất 1m, cao hơn nhiều so với các dự báo trước đây. "Ngay cả khi mức dự báo này giảm bớt đi thì những thành phố ven biển vẫn đối mặt với nhiều nguy cơ nhấn chìm nghiêm trọng", Carlos Del Castillo, giám đốc phòng thí nghiệm sinh thái học đại dương của NASA, tỏ ý lo ngại.

Vấn đề còn lại hiện nay là các chính sách về môi trường, chẳng hạn lượng khí thải công nghiệp, hiệu ứng nhà kính được cắt giảm như thế nào. Các nhà khoa học cảnh báo rằng nếu không có chính sách phù hợp và nhanh chóng, cả thế giới sẽ lĩnh hậu quả nghiêm trọng nhanh hơn chúng ta tưởng.
Share on Google Plus

About Unknown

0 nhận xét:

Đăng nhận xét