Năm 2016 sẽ nóng kỷ lục

2016 được dự báo sẽ là năm nóng nhất lịch sử nhân loại. Điều đó càng được củng cố khi có dấu hiệu ghi nhận cho thấy 3 tháng đầu năm nay đều lập kỷ lục là những tháng nóng nhất từ trước tới nay.

Đây là lần thứ 11 liên tiếp kỉ lục nhiệt độ toàn cầu bị phá, theo The Independent

Tháng 3 nóng nhất thế kỷ

Theo số liệu của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), năm 2015 đang giữ kỉ lục là năm nóng nhất từ trước đến nay, và tháng có nền nhiệt trung bình toàn cầu nóng nhất trong 100 năm qua là tháng 3.2016.

Cụ thể, nhiệt độ toàn cầu trong tháng 3/2016 đã cao hơn 1,28 độ C so với nhiệt độ trung bình của các tháng ở thế kỷ 20. Đây là lần thứ 11 liên tiếp kỉ lục nhiệt độ toàn cầu bị phá khi nhiệt độ của tháng sau luôn cao hơn tháng trước.

Lý giải cho việc này, một số nhà khoa học cho rằng nhiệt độ toàn cầu tăng cao là do hiện tượng El Nino, một hiện tượng thời tiết bất thường khiến một số khu vực trên trái đất có nhiệt độ cao bất thường trong khi một số khu vực khác lại mưa nhiều hơn bình thường, đang tác oai tác quái. Tuy nhiên, cũng có nhiều người cho rằng đây là hệ quả của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Tháng 2 vượt qua tất cả các kỷ lục

Trước đó NASA công bố số liệu mới cho thấy, tháng 2/2016 không chỉ là tháng 2nóng nhất trong lịch sử được ghi nhận, mà mức tăng nhiệt độ còn vượt qua tất cả các kỷ lục trước đó, khiến các nhà khoa học mô tả nó như là "một cột mốc đáng ngại, hướng tới một hành tinh ngày càng ấm hơn".

Nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu trong tháng hai vừa qua cao hơn 1,35  độ C so với mức trung bình tháng được đo từ năm 1951 đến năm 1980. Kỷ lục trước đây, cao hơn 1,14  độ C so với nhiệt độ trung bình trong giai đoạn 1951-1980, vừa được thiết lập chỉ 1 tháng trước đó - vào tháng 1/2016.

Theo nhà khí tượng Bob Henson và Tiến sĩ Jeff Masters, người sáng lập trang web nổi tiếng về khí tượng Weather Underground, báo cáo của NASA là một "quả bom tấn". Các nhà khí tượng học lo lắng rằng, hành tinh này có thể đã vượt mức đỉnh điểm quan trọng, khi "nhiệt độ tháng 2/2016 tăng vọt vượt những tháng khác, trở thành tháng nóng nhất (có tính đến yếu tố điều chỉnh theo mùa) trong hơn một thế kỷ qua, khi số liệu toàn cầu bắt đầu được lưu trữ".

Chuyên gia Stefan Rahmstorf, thuộc Viện Nghiên cứu những tác động của khí hậu Potsdam - Đức, cảnh báo rằng "chúng ta hiện đang ở trong tình trạng khẩn cấp về khí hậu", "những con số mới khá ấn tượng, và những gì chúng ta đang thấy hoàn toàn chưa từng xảy ra".

Nhiều nhà khoa học tin rằng, các dữ liệu về khí hậu được báo cáo là một hồi chuông báo động nghiêm trọng. Nhiệt độ được ghi nhận trong tháng 2/2016 thậm chí còn vượt quá 0,47 độ C so với tháng 2/1998, năm diễn ra hiện tượng "siêu" El Nino.

Theo nhận định của các nhà khí hậu học, chuỗi các bản ghi nhiệt độ hàng tháng chỉ là bề mặt của tảng băng trôi, và dự đoán mức nhiệt độ kỷ lục sẽ tiếp tục diễn ra trong những tháng và những năm tới, do sự tập trung của carbon trong khí quyển toàn cầu sẽ đẩy nhiệt độ lên cao hơn nữa trong dài hạn.

Tháng 1 nóng nhất trong 135 năm qua

Số liệu được công bố từ NASA và Cơ quan Khí quyển & Đại Dương Mỹ (NOAA) cho biết, tháng 1/2016 là tháng 1 nóng nhất trên toàn cầu trong vòng 135 năm qua trở lại đây. Không chỉ vậy theo NASA khẳng định, đây là tháng có biên độ nhiệt lớn nhất, vượt trên mức trung bình 1,13 độ C của toàn cầu.

Điều này dẫn tới đây là tháng thứ 9 trong chuỗi những tháng phá kỷ lục nóng nhất bắt đầu từ hồi tháng 5/2015 và là tháng thứ 4 ghi nhận mức nhiệt cao hơn trung bình 1 độ C. Đồng thời, mức nhiệt này cũng cao hơn 0,3 độ C so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), mặc dù El Niño đã đi vào thời điểm thoái trào nhưng những tác động của hiện tượng này vẫn còn khá mãnh liệt tại một số vùng trên hành tinh.

Hiện tượng nóng lên toàn cầu khiến hành tinh giống như một "lò bát quái" thiêu đốt con người và các sinh vật sống trong đó. Đáng lưu tâm là Bắc Cực hiện đang là nơi gánh toàn bộ luồng nhiệt của hành tinh. Các biển băng đang thu hẹp đáng kể trong thời gian vừa qua do tác động của nhiệt độ.

Nếu cứ theo đà tăng nhiệt này trong thời gian tới, con người gần như sẽ chẳng còn thấy những biển băng mà thay vào đó là mực nước biển dâng tới sát nơi chúng ta sinh sống.

Năm 2016 sẽ nóng kỷ lục

Văn phòng dịch vụ khí tượng quốc gia của Anh Quốc (Met Office), trong 12 tháng tới, nhân loại sẽ chứng kiến sự tăng vọt nhiệt độ toàn cầu do sự kết hợp của khí thải nhà kính và hiệu ứng El Nino.

Nhiệt độ được dự đoán từ năm 2015-2020, trong đó năm 2016 được dự đoán sẽ là năm nóng nhất, theo báo The Guardian.

Sau đó, sẽ có một sự sụt giảm nhiệt độ vào năm 2017 do hiệu ứng El Nino tiêu tan khiến hành tinh mát trở lại. Nhưng trong ba năm còn lại của thập kỷ, nhiệt độ sẽ còn tăng cao hơn năm 2016.

Tiến sĩ Doug Smith, một chuyên gia từ Met Office, cho biết "Chúng ta không thể nói chính xác năm 2016, 2018, 2019 hoặc 2020 sẽ nóng cỡ nào. Điều đó còn phụ thuộc vào các biến số khác. Nhưng nhìn chung, nhiệt độ tiếp tục có xu hướng tăng dần.”

Tại Met Office, một nhóm nhà khoa học quốc tế nghiên cứu phương pháp vòng cây và tài liệu lịch sử cho biết 30 năm qua có lẽ là khoảng thời gian nóng nhất ở Châu Âu trong hơn 2 thiên niên kỷ trở lại đây, theo báo The Guardian.

Các chuyên gia tại Met Office cho biết, El Nino sẽ chính là tác nhân chính gây nên mức giá trị nhiệt độ tăng 0,2 độ vào năm 2016. Bên cạnh đó, nếu hiện tượng trên kết hợp cùng với biến đổi khí hậu, những kỷ lục nhiệt độ mới có thể được thiết lập và con người sẽ chính là một trong những sinh vật phải hứng chịu thảm họa đầu tiên trên Trái Đất.

Share on Google Plus

About Unknown

0 nhận xét:

Đăng nhận xét