Đổi giấy lấy cây

Chương trình ĐỔI GIẤY LẤY CÂY được phát động từ ngày 01/03 và kéo dài tới hết ngày 19/03. Trong tuần lễ “đổi giấy lấy cây”, với mỗi 5kg giấy không sử dụng sẽ nhận được 01 phiếu đổi lấy 01 chậu cây xinh xắn để trang trí bàn học, bàn làm việc, ban công…..
Bạn có thể chọn loại phiếu lấy cây vào thứ 6 ngày 18/3/ 2016 hoặc chọn phiếu lấy cây vào ngày GIỜ TRÁI ĐẤT thứ 7 (/03/2016). Phiếu thứ 7 có giá trị may mắn, bạn có thể nhận nhiều hơn 1 cái cây và tham gia vào các trò chơi hấp dẫn với những phần quà sẽ được hé lộ cùng những bí quyết tiết kiệm giấy thông minh.


Sn’E sẽ nhận đổi giấy từ ngày14-18/03 và nhận đổi cây trong hai ngày18-19/03 tại sảnh T1 Đại học Khoa học Tự Nhiên (Hà Nội). Cùng chung tay bảo vệ Trái Đất từ những hành động nhỏ, đơn giản nhưng vô cùng thiết thực sẽ tạo nên những giá trị lớn đến không ngờ.

Hà Nội chi 8 tỷ đồng cho chương trình tiết kiệm năng lượng

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2016. Một phần kinh phí để thực hiện Chương trình này là 8 tỷ đồng từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách Thành phố. Mục tiêu của Chương trình là nâng cao kỹ năng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong cộng đồng của Thủ đô Hà Nội, phấn đấu đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 2 - 3% mức tiêu thụ năng lượng so với dự báo nhu cầu.

Chương trình cũng nhằm thúc đẩy các cơ sở, dự án đầu tư sử dụng nhiều năng lượng ứng dụng rộng rãi trang thiết bị hiệu suất cao, công nghệ tiên tiến, công nghệtiết kiệm năng lượng và quản lý dự án đầu tư sử dụng nhiều năng lượng. Nâng cao hiệu suất, giảm mức tiêu hao năng lượng ít nhất 3% đối với một số nhóm ngành sử dụng nhiều năng lượng. Để có kinh phí thực hiện Chương trình, UBND Thành phố sẽ huy động nguồn vốn xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân và nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Đề xuất 1.200 tỷ mua xe chống ngập ở Sài Gòn

Ngày 11/3, Trung tâm chống ngập TP HCM vừa đề xuất UBND TP HCM cho triển khai thực hiện dự án chống ngập bằng xe bơm hút nước di động với tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng. Trong đó, chi phí đầu tư cho trang thiết bị hơn 1.200 tỷ đồng, gồm 63 xe chống ngập di động, một bãi đậu xe và một nhà điều hành. Theo đơn vị đề xuất, việc sử dụng xe bơm di động nhằm ứng phó với những trận mưa lớn kéo dài liên tục trên diện rộng ở địa bàn TP HCM. Những xe bơm chống ngập có tính lưu động cao, tất cả các thiết bị được lắp đặt đồng bộ trên xe, gồm các bơm ngầm bằng hợp kim siêu nhẹ. Xe có thể di chuyển và vận hành dễ dàng bằng tay.

Với công suất từ 20 m3/phút - 60 m3/phút, các xe có thể hút được lượng nước lớn tại các điểm ngập với độ ngập sâu và diện rộng khác nhau. Xe sẽ bơm hút nước để độ ngập giảm xuống chỉ còn 8 cm, cho phép người và xe cộ đi qua đoạn đường ngậpmột cách dễ dàng, không ảnh hưởng tới giao thông. Phương án chống ngập do Trung tâm chống ngập đưa ra là các xe sẽ bơm nước ra những kênh rạch, cống cấp II liên thông với các cửa rạch ra sông Sài Gòn. Theo đề xuất, thời gian thực hiện dự án trên từ 2016-2019. Dự kiến ngoài nguồn vốn đầu tư công còn phải huy động thêm các nguồn vốn, nguồn lực khác – theo Zing.

Mỹ-Canada hợp tác chống biến đổi khí hậu

Ngày 10/3, Nhà Trắng đã trải thảm đỏ tổ chức lễ tiếp đón long trọng Thủ tướng Canada Justin Trudeau, chấm dứt quãng thời gian mây mù bao phủ quan hệ Mỹ-Canada để bước sang giai đoạn hợp tác về thương mại và chống biến đổi khí hậu. Phát biểu trong lễ đón Thủ tướng Canada tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh 2 nước khởi đầu giai đoạn hợp tác mới này bằng việc nhất trí các nỗ lực chung để chống biến đổi khí hậu. Trong đó, có việc cắt giảm khí thải từ các hoạt động sử dụng dầu khí và khí đốt, cũng như sớm thực thi thỏa thuận khí hậu đã kí kết tại Paris năm ngoái – theo VOV.VN.

Tổng thống Obama nói: “Tôi vui mừng thông báo rằng Mỹ và Canada sẽ hợp tác toàn diện trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Tôi là Tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm Bắc Cực và tôi đã thấy mối đe dọa như thế nào với cả Mỹ và Canada khi nước biển dâng cao, khi băng tan chảy…” Nhà lãnh đạo của Mỹ và Canada cũng thông báo kế hoạch đến năm 2025 giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ mê-tan từ 40 đến 45% so với mức của năm 2012, đồng thời đẩy mạnh phát triển các công nghệ xanh…

Nồng độ CO2 trong khí quyển tăng kỷ lục trong năm 2015

Trong một báo cáo về mức độ CO2 trong khí quyển được công bố ngày 10/3, Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết trong năm 2015, tốc độ tăng trưởng hàng năm của nồng độ CO2 trong khí quyển là 3,05 phần triệu (ppm), mức tăng hàng năm lớn nhất trong vòng 56 năm qua. Năm ngoái cũng được ghi nhận là năm thứ 4 liên tiếp lượng khí CO2 tăng hơn 2 ppm. Báo cáo cũng cho biết nồng độ khí CO2 trung bình hàng tháng trên toàn cầu đã đạt 402,59 ppm vào tháng Hai vừa qua – theo TTXVN.

Nhận định về vấn đề này, các nhà khoa học của NOAA cảnh báo nồng độ CO2 đang ngày càng tăng nhanh hơn so với hàng nghìn năm trước. Theo họ, hai nguyên nhân chính dẫn đến sự nhảy vọt của nồng độ CO2 trong khí quyển là do hiện tượng thời tiết cực đoan như El Nino và việc đốt nhiên liệu hóa thạch. Các chuyên gia cho rằng tác động của El Nino đối với sự tích tụ nồng độ CO2 là một hiện tượng tự nhiên mang tính chất tạm thời, trong khi nguyên nhân chủ yếu và lâu dài chính là sự gia tăng của lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính do hậu quả từ các hoạt động của con người. Họ khuyến cáo chính phủ các nước cần triển khai những hành động khẩn cấp để giảm thiểu lượng khí CO2 nhằm giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới mức 2 độ C.

Chú chim cánh cụt mỗi năm vượt 8.000km thăm người cứu mạng

Con chim cánh cụt không cho ai đụng vào mình trừ ông Joao Pereira de Souza, 71 tuổi, người cứu mạng nó trên một bãi biển Brazil năm 2011.  Lúc đó con chim cánh cụt Magellan Nam Mỹ, được đặt tên Dindim, đang trong tình trạng sắp chết, toàn thân phủ đầy dầu. Ông De Souza đã mang nó về, lau sạch cho nó, cho nó ăn uống… Sau khi khỏe lại, Dindim cứ lưu luyến không muốn rời đi. Tuy nhiên cuối cùng nó vẫn phải đi. Một năm sau, De Souza bất ngờ khi thấy nó lại xuất hiện. Rồi đều đặn những năm sau, nó đều trở về "thăm" ông.

Ước tính quãng đường nó đã vượt qua để đến gặp De Souza là 8.000km. Thường nó đến vào tháng 6 và rời đi vào tháng 2 hàng năm. "Tôi yêu nó như con và tôi tin rằng nó cũng yêu tôi", ông De Souza nói với Globo TV. "Mỗi năm, tôi thấy nó tình cảm hơn và thậm chí hạnh phúc hơn khi nhìn thấy tôi", ông kể. “Tôi chưa từng gặp trường hợp nào như thế này. Tôi nghĩ con chim cánh cụt tin ông Joao là một phần của gia đình nó. Khi nhìn thấy ông ấy, nó lúc lắc cái đuôi như con chó mừng chủ và kêu lên đầy vui thích", nhà sinh vật học Joao Paulo Krajewski nói.
Share on Google Plus

About Unknown

0 nhận xét:

Đăng nhận xét