Hội nghị COP21 thông qua văn bản chống biến đổi khí hậu toàn cầu

Bản Thỏa thuận chống biến đổi khí hậu toàn cầu đã được chính thức thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc COP21 ở Paris (Pháp) lúc 17 giờ 30 giờ Paris, tức 23 giờ 30 giờ Việt Nam ngày 12/12/2015.
Phiên họp Thượng đỉnh cuối cùng được tiến hành tận cuối ngày bổ sung, thứ Bảy 12/12/2015 đề thể hiện sự thống nhất, thông qua và công bố Bản Thỏa thuận sửa đổi cuối cùng.
Không khí ở hội nghị, theo nhiều nhà báo, vẫn không bớt căng thẳng. Các đại biểu không đưa ra những tin vui và từ chối phỏng vấn của các nhà báo. Tâm trạng lo lắng vẫn còn đeo đẳng quanh nguy cơ việc thông qua Thỏa thuận lại vẫn bị đẩy lùi lần nữa.
Biến đổi, khí hậu, hội nghị COP21
Chủ tịch COP21 Laurent Fabius gõ búa thông qua Thỏa thuận. Ảnh: Nguồn theo SG COP21.
Như vậy sau 20 năm chờ đợi đầy căng thẳng, đặc biệt trong năm cuối cùng này kể từ Hội nghị COP20 ở Lima (Peru) vào cuối năm 2014, trải qua nhiều cuộc hội thảo; từ Geneve sang Bonn rồi đến Paris, nay đã kết thúc thành công với những nội dung căn bản đáp ứng sự chờ đợi của các quốc gia trên thế giới trong cuộc chiến chống Biến đổi khí hậu đe dọa cả loài người.
Nhưng thời khắc lịch sử đang chờ đơi rồi cũng đến khi Chủ tịch COP21, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nói: “Tôi xin mời Hội nghị thông qua Thỏa thuận…Vâng, xin mời quý vị cho ý kiến …” Và cuối cùng: “Tôi không thấy có nước nào phản đối”. Rồi ông gõ búa, chính thức tuyên bố : “Thỏa thuận COP21 được thông qua”.
Cả hội trường dội vang tiếng reo mừng, tiếng vỗ tay kéo dài. Nhiều người còn hét lên vui sướng, trào dâng nước mắt vì một chặng đường đầy thử thách kéo dài suốt 13 ngày ở Trung tâm hội nghị Bourget (Paris), có lúc tưởng lại thất bại như lần trước, đã khép lại bằng một Thỏa thuận được cả thế giới mong đợi.
Đây là một Thỏa thuận lịch sử vì lần đầu tiên tất cả 196 bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu (UNFCCC) đã đi đến một Thỏa thuận buộc tất cả các nước cắt giảm lượng phát thải khí carbon. Bản Thoả thuận một phần mang tính ràng buộc pháp lý, một phần mang tính tự nguyện. Mục tiêu quan trọng nhất của Thỏa thuận này là giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu trong thế kỷ này dưới 2 độ C, rồi tiếp đó cùng thúc đẩy nỗ lực để xuống còn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Biến đổi, khí hậu, hội nghị COP21
Cả hội trường vang tiếng hò reo, vỗ tay mừng Thỏa thuận mới. Ảnh: Nguồn Liberation.
Bản Thỏa thuận cũng quy định rằng, để giúp các nước đang phát triển chuyển từ việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch sang các nguồn năng lượng xanh hơn và ứng phó với Biến đổi khí hậu, các nước phát triển sẽ cung cấp 100 tỷ USD/năm.
Sau khi được thông qua tại Paris, Bản Thoả thuận này sẽ được gửi đến Liên Hợp Quốc tại New York, Mỹ, được để ngỏ một năm và sẽ được ký kết từ ngày 22/4/2016, là ngày Mẹ Trái Đất (Mother Earth Day).
Bản Thoả thuận ở Paris với các nội dung quan trọng liên quan đến sinh mệnh của loài người nói trên sẽ được thực hiện sau khi 55 nước chiếm 55% lượng phát thải CO2 toàn cầu gửi văn kiện về việc cam kết tực hiện.
Chủ tịch COP21, ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nói: Thỏa thuận Paris cho phép các đoàn đại biểu trở về với tâm trạng đầy tự hào. Nỗ lực chung của chúng ta có giá trị hơn bất kỳ hành động riêng lẻ nào. Trách nhiệm của chúng ta với lịch sử thật to lớn.
Tổng thống Pháp Francois Hollande phát biểu: "Ngày 12/12/2015 là một ngày tuyệt vời đối với Trái đất. Trong nhiều thế kỷ, đã có hàng loạt cuộc cách mạng ở Paris, song đây là cuộc cách mạng đẹp và yên bình nhất mà chúng ta có, cuộc cách mạng về Biến đổi khí hậu".
Tổng thống Mỹ Barack Obama, trong lời phát biểu ở Washington từ sáng sớm 13/12 (theo giờ Hà Nội), đã ca ngợi thỏa thuận khí hậu đạt được tại COP21 là "mạnh mẽ và mang tính lịch sử", là "cơ hội tốt nhất" để bảo vệ Trái Đất trước những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Ấn Độ và Trung Quốc, hai quốc gia đông dân nhất thế giới và cũng là hai nước phát thải khí nhà kính nhiều nhất trong số sác nước đang phát triển, đều hoan nghênh Thỏa thuận lịch sử tại Paris, cho rằng đây là bước tiến đến tương lai tươi sáng hơn.
Ông Giza Gaspar, Chủ tịch của nhóm các nước kém phát triển nhất nói: Không gì có thể so sánh được với Thỏa thuận lịch sử và có tính ràng buộc này. Đây là kết quả tốt nhất mà chúng ta mong đợi đã lâu, không chỉ vì các nước kém phát triển nhất, mà còn cho tất cả người dân trên thế giới.
Có thể xem như tiếng nói đại diện của các dân tộc trên thế giới, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Ban Ki-moon phát biểu: Lần đầu tiên, từng nước trên thế giới đã cam kết cắt giảm khí thải, tăng khả năng ứng phó và chung tay vì sự nghiệp chung chống Biến đổi khí hậu. Chúng ta đã bước vào một kỷ nguyên mới của hợp tác toàn cầu để giải quyết một trong những vấn đề phức tạp nhất của nhân loại.
Share on Google Plus

About Unknown

0 nhận xét:

Đăng nhận xét